Ngoại thương (tiếng Anh: Foreign Trade) là việc mua, bán hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia. Ngoại thương là cầu nối giữa cung và cầu hàng hóa, dịch vụ của thị trường trong và ngoài nước về số lượng, chất lượng và thời gian sản xuất.

Hình minh họa

Ngoại thương (Foreign Trade)

Định nghĩa

Ngoại thương trong tiếng Anh là Foreign Trade.

Lưu thông hàng hóa vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, khi đó xuất hiện ngoại thương. Hoạt động ngoại thương đã có từ lâu đời, từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến chế độ phong kiến nhưng ngoại thương chỉ thực sự phát triển trong thời đại tư bản chủ nghĩa.

Ngày nay sản xuất đã được quốc tế hóa, không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển mà lại không tham gia vào phân công lao động quốc tế và trao đổi hàng hóa với bên ngoài.

Ngoại thương là việc mua, bán hàng hóa và dịch vụ qua biên giới quốc gia. Ngoại thương là sự trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa nước này với nước khác thông qua các hoạt động mua bán.

Ngoại thương là cầu nối giữa cung và cầu hàng hóa, dịch vụ của thị trường trong nước và ngoài nước về số lượng, chất lượng và thời gian sản xuất.

Nội dung của hoạt động ngoại thương

Hoạt động ngoại thương bao gồm các nội dung:

- Xuất và nhập khẩu hàng hóa hữu hình (nguyên, nhiên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng...) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.

- Xuất và nhập khẩu hàng hóa vô hình (các bí quyết công nghệ, bằng sáng chế, phát minh, phần mềm máy tính, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu, thương hiệu...) thông qua xuất nhập khẩu trực tiếp hoặc xuất nhập khẩu ủy thác.

- Gia công thuê cho nước ngoài và thuê nước ngoài gia công. Hoạt động gia công mang tính chất công nghiệp nhưng chu kì gia công thường ngắn, có đầu vào và đầu ra gắn liền với thị trường nước ngoài, nên nó được coi là một bộ phận của hoạt động ngoại thương.

- Tái xuất khẩu và chuyển khẩu: Trong hoạt động tái xuất khẩu người ta tiến hành nhập khẩu tạm thời hàng hóa từ bên ngoài vào sau đó lại xuất khẩu sang một nước thứ ba với điều kiện hàng hóa đó không qua gia công, chế biến. Còn hoạt động chuyển khẩu không có hành vi mua bán mà ở đây chỉ thực hiện dịch vụ như: vận tải quá cảnh, lưu kho, lưu bãi, bảo quản hàng hóa...

- Xuất khẩu tại chỗ: Trong trường hợp này, hàng hóa, dịch vụ có thể chưa vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhưng ý nghĩa kinh tế của nó tương tự như hoạt động xuất khẩu. Đó là việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các ngoại giao đoàn, cho khách du lịch quốc tế...

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Tài Chính)